Thiết kế logo, hệ thống nhận diện thương hiệu, in ấn, thi công quảng cáoThiết kế logo, thiết kế nhãn hiệu, thiết kế bao bì, nhãn mác

Vài suy nghĩ về việc "lấy ý kiến công chúng trong thiết kế logo, nhãn hiệu, bao bì..."

21/10/2018

Gần đây, nhận thấy có nhiều chủ doanh nghiệp, khách hàng, đối tác của AV có ý định, thực hiện việc lấy ý kiến công chúng trong lĩnh vực thiết kế về: mẫu mã sản phẩm, bao bì, logo, nhãn hiệu.... Vấn đề này, theo quan điểm của riêng cá nhân tôi, xin có mấy ý kiến chia sẻ như sau:

Trước tiên, hoạt động lấy ý kiến công chúng của chủ thể vể DV/SP của mình nhằm đưa ra giải pháp lựa chọn cuối hợp lý, hiệu quả nhất là việc nên làm và có vẻ như không có gì để bàn thêm. Việc này một phần được nhiều chủ doanh nghiệp ưa thực hiện vì cũng là dịp tạo ra cơ hội PR, thu hút sự chú ý của khách hàng, của công chúng về SP/DV của mình. Tuy nhiên trên thực tế, qua hoạt động trên, nhiều chủ thể khi triển khai lấy ý kiến công chúng về SP/DV …chẵng những không thu lượm được kết quả như kỳ vọng, mà kết thúc bằng một lựa chọn cuối, có chất lượng kém hơn cả mức độ ban đầu, hoặc có chất lượng dậm chân tại chỗ, không cải thiện được gì thêm.

Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Trước tiên, cần chú ý một vài điểm: Khi đã gọi “lấy ý kiến về thiết kế” (chưa nhắc đến hai chữ chuyên môn) thì bản thân nội dung “lấy ý kiến thiết kế” đã mang tính chuyên môn rồi. Bởi lẽ, đã gọi là “thiết kế” thì lĩnh vực này chỉ dành cho một nhóm các đối tượng, những người được trang bị kiến thức về thiết kế như các chuyên gia, các designer, các họa sĩ đồ họa - những người đã từng kinh qua trường lớp đào tạo về lĩnh vực này. Vậy “công chúng” ở đây phải tập trung vào nhóm đối tượng trên, không phải là “công chúng đại trà”, hay vấn đề thiết kế mang tính phổ  quát.

Một điểm nữa, nhóm “công chúng có liên quan ít nhiều đến sáng tạo, tạo hình, thiết kế” lại phân chia, chuyên môn hóa cụ thể, các lĩnh vực thiết kế chuyên ngành: thiết kế kiến trúc, thiết kế nội ngoại thất, thiết kế thời trang, thiết kế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế hình ảnh thương hiệu... Họa sĩ cũng vậy, có họa sĩ tạo hình tranh (sơn dầu, lụa, sơn mài, khắc gỗ…), họa sĩ thiết kế đồ họa game, điêu khắc gia, … Trong nhóm này, người nào làm việc đó! Người làm kiến trúc sư, thiết kế nội thất, họa sĩ gì đó… có thể là những chuyên gia tài hoa trong những sản phẩm thiết kế biệt thự, nhà cửa, phòng ốc, tranh tượng nhưng chưa chắc đã thiết kế được mẫu logo, nhãn hiệu hoàn hảo. Không phải họ không thể làm được việc này, mà họ cần phải có thêm thời gian. Nó là đặc điểm của công việc cụ thể! Vì vậy, nếu họ chưa từng nghiên cứu về công việc này bao giờ, chính họ cũng sẽ lúng túng, mặc dù họ có một phần chuyên môn trong đó. 


Điều này tôi từng chứng kiến nhiều! Bạn tôi, có mấy anh họa sĩ sơn dầu, kiến trúc, khi tự thiết kế logo cho mình, lúc hoàn thiện, in sản phẩm, máy in thậm chí cũng bó tay luôn vì không thể thể hiện được các chi tiết các anh ấy truyền tải. Nó quá kể lể, quá cầu kỳ, hoặc có xu hướng bố cục tranh, kiểu vẽ minh họa... và không phải thứ ngôn ngữ thiết kế, xu hướng, mấu chốt tạo hình của logo.


Ngay cả một tỉnh nọ (xin dấu tên), khi triển khai cuộc thi thiết kế biểu trưng cho ngành du lịch tỉnh, do công tác truyền thông, cơ cấu giải thưởng, tổ chức đội ngũ ban giám khảo chấm chọn...không đến nơi đến chốn, khiến không thu hút được các nhà chuyên môn thực sự tham gia, cuộc thi chỉ có các thành viên không chuyên cọ xát với nhau, cuối cùng, biểu trưng thu được không có chất lượng cho đến cả vòng cuối.


Chuyên gia, nhà thiết kế về mỗi lĩnh vực cũng có nhiều kiểu chuyên gia. Riêng về thiết kế đồ họa 2D, hoạt động chuyên về thiết kế hình ảnh thương hiệu tại Việt Nam hiện nay, tôi tạm chia làm các nhóm sau:

  • Các bạn học ở các trung tâm đào tạo chuyên về kỹ thuật, phầm mềm: thường giỏi về kỹ thuật sử dụng phần mềm vẽ 2D-3D như: Corel, AI, PS, Indesign, 3DMax… nhưng ít hoặc không được trang bị kiến thức và kỹ năng về tạo hình, kiến thức về xây dựng hình ảnh thương hiệu.
  • Các bạn học ở các Trung tâm, Cơ sở đào tạo các khóa học về thiết kế đồ họa: được trang bị về kỹ năng sử dụng phần mềm, có một số thời lượng học tập nhất định về khái niệm thiết kế thương hiệu, logo, bố cục, màu sắc…nhưng vẫn chưa đủ thời gian thấm nhuần kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về phối hợp thiết kế với thực tiễn, lĩnh vực design.
  • Còn lại, là các chuyên gia thực thụ, được đào tạo, trang bị kiến thức nền tảng về mỹ thuật: bố cục, màu sắc, typography, phương pháp sáng tạo…; kiến thức về xây dựng hình ảnh thương hiệu, kỹ năng sử dụng phần mềm, cộng với thời gian từng trải chuyên về lĩnh vực thiết kế này… Những người này thường mang lại sản phẩm thiết kế khá tốt cho bạn.




Logo và một số SP thuộc bộ nhân diện thương hiệu do Team AV thực hiện


Vì thế, với những nhóm chuyên gia thiêt kế này, khi chọn mặt gửi vàng, chủ doanh nghiệp hãy nhớ: “đừng nghe những gì chuyên gia nói, hãy xem những gì chuyên gia làm”. Khà khà!!!

Vậy, theo trên, chủ thể cũng không phải dễ dàng lấy ý kiến đánh giá chất lượng “công chúng thiết kế” về SP/DV chăng?!


Làm sao để lấy ý kiến công chúng hiệu quả?

Nhưng nếu với đặc điểm như thế, làm sao để lấy ý kiến công chúng về thiết kế sản phẩm, bao bì, nhãn hiệu, logo…hiệu quả?

Như trên đã nói, vấn đề thiết kế trên, hãy lấy ý kiến người có chuyên môn! Người ta thường nói “muốn cảm nhận nghệ thuật phải được giáo dục nghệ thuật”, trong trường hợp này cũng gần giống vậy! Đánh giá một bản giao hưởng, đừng hỏi anh nông dân. Mùa nào trồng cây gì, nuôi con gì nhớ đừng hỏi anh bác sĩ… Nếu không, “lấy ý kiến công chúng” sẽ trở thành việc “đẽo cày giữa đường”, chủ thể sẽ mất nhiều thời gian và thất thiệt. Tốn sức vô ích!

Một mấu chốt: vấn đề lấy ý kiến công chúng đánh giá về mẫu mã sản phẩm, nhãn mác, bao bì, logo… chỉ nên dừng ở phạm vi yêu – không yêu; thích – không thích mà thôi!


Ở đây, chủ doanh nghiệp, chủ nhân SP/DV nên bỏ ý định lấy ý kiến đại trà của công chúng về phần chuyên môn thiết kế, (hãy lấy ý kiến chuyên gia), chỉ nên lấy ý kiến khách hàng mục tiêu, công chúng về mặt cảm xúc, về sự yêu ghét, niềm tin của công chúng đối với một số lựa chọn đã được các chuyên gia nghiên cứu, định sẵn. Ví như, khi muốn tổng hợp ý kiến khách hàng mục tiêu của mình yêu thích mẫu logo nào, chủ thể nên thực hiện ở giai đoạn: sau khi đã nghiên cứu làm việc kỹ lưỡng với nhà thiết kế uy tín, chọn được một số concept a-b-c-d… ưng ý nhất. Trong số các mẫu đó, mẫu nào được khách hàng bình chọn nhiều nhất, là mẫu chủ doanh nghiệp có thể lưu tâm để sử dụng. Tất nhiên, đây cũng chỉ là yêu tố tham khảo! Quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào chiến lược, ý chí của chủ nhân mà thôi.


Trên đây là vài ý mạo muội của cá nhân, về câu chuyện lấy ý kiến công chúng trong thiết kế mẫu mã SP, logo, nhãn hiệu…Hy vọng có thêm nội dung luận đàm với những ai đang quan tâm về lĩnh vực Xây dựng hình ảnh SP/DV, thương hiệu. Cảm ơn bạn đã kiên nhẫn đọc đến phần cuối này!

Sài Gòn, 21/10/2018
Lê Văn Ninh