Thiết kế logo, hệ thống nhận diện thương hiệu, in ấn, thi công quảng cáoXu hướng NFT, Từ sự nổi tiếng và thương hiệu nghĩ đến NFT

Từ sự nổi tiếng và thương hiệu nghĩ đến NFT

02/04/2021
Để đạt được sự nổi tiếng người ta có thể có nhiều cách. Người viết nghĩ, những cách này có thể chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm thuộc về một trong hai con đường để đạt được mục đích. 

Một là, có thể bằng tài năng, bằng các phẩm chất tốt đẹp vượt trội, cộng với quá trình xây dựng, bồi đắp, tích lũy giá trị mà thành, tạm gọi là con “đường chính thống”.

Hai là, có thể bằng scandal, bằng trào lưu, hoặc chơi ngông, hay may mắn… gọi là “con đường tắt” để đến nổi tiếng – như một cách thứ hai. 

Vậy, còn đối với thương hiệu thì sao? Liệu có thể dùng "con đường tắt" để đạt được nó, giống như cách tạo nên sự nổi tiếng?

Rõ ràng, nổi tiếng và thương hiệu đều không hữu hình, cũng không hoàn toàn đồng nhất với nhau nhưng có rất nhiều điểm tương đồng và liên quan đáng kể. Chính điều này khiến chúng ta hay nhầm lẫn cách xây dựng chúng là giống nhau.

Ngoài sự khác nhau về mặt khái niệm, ngữ nghĩa giữa thương hiệu và sự nổi tiếng, một đặc điểm cho thấy thương hiệu có phần “đắt giá” hơn, vì để có được nó người ta phải xây dựng tổng hòa nhiều yếu tố kết hợp lại: từ vai trò ý nghĩa, định hướng, mục tiêu, tầm nhìn, giải pháp …; từ văn hóa của chủ thể, tính cách, kiến trúc, tên gọi, khẩu hiệu, biểu tượng, hình ảnh thể hiện thương hiệu…Tất cả tạo nên sự cảm nhận, nhận biết sản phẩm hoặc dịch vụ mà chủ thể khơi gợi lên. Điều này cho thấy thương hiệu phải được thực hiện một cách tổng thể, bền bỉ và không đơn giản như sự nổi tiếng (nổi tiếng chỉ là một trạng thái, một đặc điểm, tính chất). Một thương hiệu đúng nghĩa luôn có đặc điểm là nổi tiếng. Ngược lại, một chủ thể nào đó nổi tiếng, chưa chắc đã được gọi có thương hiệu (một thương hiệu mà ít ai biết đến thì là thương hiệu yếu hay xem như chưa có giá trị gì đáng kể).

Chính vì đặc điểm trên, thương hiệu nhất định phải được xây dựng bằng con “đường chính thống”. Nếu thương hiệu được tạo bằng scandal, thì thương hiệu đó sẽ bị gắn với các hình ảnh tiêu cực từ phía người dùng, thương hiệu đó cũng không duy trì được lâu. 

Vâng! Còn NFX thì có liên quan gì đến nổi tiếng và thương hiệu?

Trước tiên, quay lại nhìn nhận hiện tượng NFT một chút! 

NFT là tên viết tắt của cụm từ “ Non-fungible Token” nghĩa là token không thể thay thế. Bản chất là chuỗi mã thông báo không thể thay thế và hoàn toàn khác biệt trên các blockchain. Vì vậy NFT có thể đại diện cho những thứ “có một không hai”, như một bức ảnh chụp, hoặc thậm chí một bức tranh, một đoạn nhạc, đoạn phim hay bất cứ thứ gì cụ thể ngoài đời mà có thể chuyển thành bản ghi kỹ thuật số. Nói tóm lại, NFT tạo nên một hình thức sở hữu tài sản dạng kỹ thuật số bằng mã hóa thông qua hợp đồng thông minh (smart contract) trên blockchain và mang tính độc bản. Khi mua bằng NFT, người mua có bản ghi quyền sở hữu không thể xóa của một tài sản và quyền truy cập vào tài sản đó.

Trên thực tế đã cho thấy, không phải thứ gì đã bán với giá cao ngất ngưởng bằng hình thức NFT đều là các sản phẩm, tác phẩm có giá trị thực sự. Người ta đã từng trao đổi những icon, hình người, con vật… được tạo bằng một phần mềm đồ họa bất kỳ nào đó, siêu đơn giản và chỉ dưới dạng vài trăm pixel (điểm ảnh) với giá đến hàng 10 ngàn, đến hàng chục triệu đô la. 

Larva Labs (đơn vị tạo nên Cryptopunks) đã tạo ra 10.000 hình vẽ siêu đơn giản như trên (size: 24x24 px). Lúc đầu, được phân phát miễn phí và những người nhận được đã tổ chức đấu giá, mua, bán bằng hợp đồng thông minh (Nguồn: https://www.larvalabs.com/cryptopunks/topsales)



Hình được bán với giá 7,58 triệu đô la, trên hợp đồng thông minh: https://bit.ly/3ufoZ4R

Những trường giao dịch bằng NFT như trên chỉ là một đơn cử, có rất nhiều sản phẩm, tác phẩm được trao đổi với giá không tưởng so với giá trị thực chất của nó. 

Câu hỏi đặt ra là tại sao, các tổ chức, cá nhân đó có thể biến những thứ bình thường trở thành những thứ “khác thường”? Những lập trình viên, những người có thể tự tạo ra NFT, sao không tận dụng cơ hội này? Tất nhiên, không ai muốn bỏ qua cơ hội cả! Đây là lúc chúng ta nhìn nhận lại yếu tố thương hiệu, sự nổi tiếng và mối liên hệ của chúng với NFT.

Thực tế cho thấy, những người bán hàng hóa bằng NFT, việc cung cấp , trao đổi thành công với món hàng đạt giá trị cao thường là những người nổi tiếng, người có thương hiệu cá nhân hoặc các tổ chức có thương hiệu khác. 

Với người mua thì sao? Nguyên nhân nào khiến họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền cực lớn để mua một món hàng với giá trị thực rất bình thường? Cũng giống như hàng hóa vật lý bằng hình thức truyền thống, ngoài hưởng thụ giá trị thực món hàng đó mang lại, người mua hướng đến các giá trị về mặt tinh thần, giá trị về mặt thương hiệu chứa đựng trong sản phẩm và một vài lý do khác, khi mua bằng NFT, có thêm một điểm khác là người mua có thể không quan tâm đến giá trị thực của món hàng. Họ có xu hướng chú trọng đến nguồn gốc món hàng đó được tạo từ ai? Ai là tác giả và yếu tố độc bản. Hãy làm một vài liệt kê – loại trừ, xếp các động cơ thôi thúc người mua qua NFT theo thứ tự tăng dần! 
1. Đầu tư, đầu cơ, bán lại lấy lời 
2. Thỏa mãn sự thừa nhận sở hữu tài sản duy nhất
3. Yêu thích món hàng thực sự, thỏa mãn nhu cầu tinh thần
4. Xảo thuật của chính bên bán để tạo trend

Nhìn lại 3 động cơ đầu tiên là nguyên nhân thôi thúc người mua một mặt hàng bằng NFT, chúng ta thấy, cho dù món hàng đó có giá trị sử dụng, giá trị nghệ thuật hoặc không là gì đi chăng nữa, yếu tố thương hiệu và sự nổi tiếng từ phía người bán vẫn là lý do xuyên suốt thôi thúc người mua quyết định đặt tiền vào món hàng. Ngay cả với động cơ thứ tư (nếu có xảy ra), phía bán vẫn đang tự đẩy giá trị món hàng thông qua yếu tố thương hiệu và từ sự nổi tiếng cho chính mình.

Và một điều người viết suy nghĩ, liệu các món hàng được trao đổi qua NFT có thực sự ổn định về mặt giá trị (chỉ là tương đối), hay không hơn không kém một trend nhất thời, thiết nghĩ, yếu tố thương hiệu, sự nổi tiếng được xây dựng theo “con đường chính thống” từ bên bán sẽ tạo nên giá trị công thêm, chứa đựng trong món hàng đó và như “đẳng cấp mãi mãi” để món hàng giữ được giá trị lâu bền, dù là trao đổi bằng NFT.

Sài Gòn, 02/04/2021
Lê Văn Ninh

Có thể bạn quan tâm:

THAM KHẢO DỊCH VỤ CỦA SMBBRAND

 

 

Tin & Bài viết nổi bật